Phụ huynh muốn con rèn bản lĩnh xã hội ngay khi... vào học lớp 1
Bắt đầu mùa cao điểm tuyển sinh vào lớp 1, nhiều phụ huynh đang gấp rút tìm cho con một môi trường học tập phù hợp với tiêu chí riêng của gia đình.
Phụ huynh muốn rèn cho con sự bản lĩnh ngay từ lớp 1
Chị Phương Anh (Hà Nội), có con đang học lớp 1. Năm ngoái, gia đình chị từng trải qua nhiều lần cân nhắc, đắn đo khi chọn trường cho con vì hiện tại có quá nhiều sự lựa chọn về trường học.
Chị Phương Anh cho rằng, trường học là một "xã hội thu nhỏ" và chưa chắc việc đưa con vào một môi trường đắt đỏ thì con sẽ phát triển tốt. Đối với vợ chồng chị, điều quan trọng nhất là rèn được cho con cách thích nghi và bản lĩnh để có thể tồn tại được trong mọi môi trường.
Chị đặt nặng việc giáo dục kỹ năng sống cho con hơn thay vì đặt ra những tiêu chuẩn cao về môi trường giáo dục.
"Nếu tôi đưa con vào một môi trường quá "hiền lành", khi đến tuổi bước vào xã hội, con có thể trở nên ngây ngô trước các vấn đề xảy ra", chị Phương Anh chia sẻ quan điểm.
Chị Phương Anh cũng rút kinh nghiệm từ chính trải nghiệm hồi còn đi học của bản thân mình để tìm được một môi trường học phù hợp cho con. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị không nhận được nhiều sự chia sẻ từ bố mẹ trong chuyện học hành nên chị gặp nhiều trở ngại trong việc tâm sự và bày tỏ tình cảm với bố mẹ.
Do đó, chị Phương Anh đưa ra quan điểm, môi trường học không quan trọng bằng sự đồng hành của cha mẹ với con cái trên chặng đường phát triển của con.
"Nếu phụ huynh không nghĩ đến việc lắng nghe, sát sao điểm mạnh, điểm yếu của con thì con sẽ khó phát triển tốt dù con học ngôi trường cao cấp đến đâu", chị Phương Anh chia sẻ.
Do đó, vợ chồng chị Phương Anh đã quyết định tìm một ngôi trường phù hợp và thuận tiện không chỉ cho con mà cho cả bố mẹ. Theo chị, học phí của con là một mức giá trị vô cùng khi không có giá trị tối thiểu và cũng không có giá trị tối đa.
"Tôi chú trọng vào việc chọn ngôi trường đảm bảo được sự ổn định cho con, đồng thời cũng không gây áp lực kinh tế cho bố mẹ để phải "gánh học" cho con suốt mười mấy năm trời", chị Phương Anh chia sẻ.
Hiện tại, con của chị Phương Anh đang học đúng tuyến tại một ngôi trường công lập gần nhà.
Chị cho biết, con của chị đang thích nghi tốt với môi trường học và gia đình cũng thường xuyên phối hợp, chia sẻ qua lại những câu chuyện ở nhà và trên lớp cùng cô giáo để tìm ra cách giáo dục phù hợp với con.
Trí tuệ của thầy cô là tiêu chí quan trọng nhất để chọn trường, chọn lớp
Chị Nguyễn Hồng Nhung (TPHCM) đề ra 4 tiêu chí cụ thể trong việc chọn cho con một ngôi trường cấp một phù hợp. Đó là: trí tuệ thầy cô, không gian trường học rộng rãi, tình yêu trẻ con của thầy cô và các hoạt động ngoại khóa cho trẻ.
Trong số những tiêu chí kể trên, chị đặc biệt coi trọng tiêu chí đầu tiên. Theo chị, trí tuệ của thầy cô không đơn thuần nằm ở khả năng sư phạm mà còn nằm ở việc thầy cô liên tục cập nhật những cái mới và đưa ra được những phương pháp giáo dục riêng phù hợp với từng học sinh.
Ngoài ra, chị Nhung cũng rất "kỵ" những ngôi trường có sĩ số quá đông khi số học sinh trong lớp lên đến 50-55 học sinh. Đối với chị, đây là một số lượng học sinh quá lớn và cô giáo khó mà sát sao được với hết chừng ấy học sinh.
Từng học chuyên tiếng Pháp và đi du học Pháp, chị cho rằng muốn dùng ngoại ngữ tốt còn phụ thuộc vào kiến thức về những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Vậy nên chị đề cao việc giáo dục kiến thức sống cho con và cung cấp cho con một môi trường học tập thoải mái nhất có thể.
"Trong quá trình đi du học, tôi thấy vẫn có nhiều học sinh, sinh viên rất giỏi đến từ trường công lập. Nhiều người cho rằng trường tư tốt hơn trường công lập nhưng tôi thấy chương trình giáo dục của trường công vẫn có những quy chuẩn nhất định", chị Nhung bày tỏ quan điểm.
Hiện tại, chị dự định sẽ cho con theo học một ngôi trường gần nhà và sẽ theo sát chặng đường học tập của con.
"Khu tôi ở khá bình dân, hiền hòa nên môi trường học sẽ thoải mái và không có sự phân biệt giàu nghèo. Nếu tôi cho con học trường dành cho các gia đình có kinh tế thì con lại có thể không hiểu được xã hội này vẫn còn nhiều người khó khăn hơn", chị Nhung chia sẻ.
Chị Thanh Tâm (Hà Nội) lại đặc biệt coi trọng khoảng cách của trường so với nhà. Chị Tâm từng rất ưng ý một ngôi trường cách trung tâm thành phố khoảng 30, 40 km và dành thời gian đi thăm ngôi trường này. Tuy trường có dịch vụ đưa đón rất thuận tiện nhưng vì khoảng cách địa lý quá xa và còn cân nhắc cho sức khỏe của con nên chị vẫn lựa chọn cho con theo học tại một ngôi trường gần nhà.
"Điều này không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho con mà cũng giúp thuận tiện hơn cho gia đình", chị Tâm chia sẻ.
Ngoài yếu tố về khoảng cách địa lý, chị Tâm cũng chú trọng đến yếu tố về học phí để cân đối được tài chính cho gia đình và chương trình học có phù hợp với định hướng của gia đình dành cho con hay không.
Bình luận moi nguoi